ÂM VANG TỪ AI CẬP

Âm Vang từ Ai Cập

 

 

Việc truyền dạy huyền bí học luôn luôn có trải qua các thời đại, tùy theo bối cảnh xã hội mà ta có đạo viện mở cửa cho công chúng, như trường Crotona ở miền nam nước Ý của Pythagoras, hay đền thờ Ai Cập mấy ngàn năm về trước, hoặc ẩn mật như Tây tạng từ nhiều thế kỷ qua. Phần dưới đây ghi lại bài giảng về 12 cặp đặc tính, dành cho người mới nhập môn tại đền thờ Ai Cập xa xưa. Truyền thống huyền bí học tại Ai Cập từng được đề cập qua nhiều sách vở, trong đó hai tác phẩm đầy thi vị và ý nghĩa thâm sâu là Ánh Sáng trên Đường ĐạoMối Tình của Hoa Sen Trắng. Một tác phẩm khác cũng rất quen thuộc cho người tìm hiểu MTTL là quyển Dưới Chân Thầy, đọc kèm bài sau với ba sách trên sẽ cho ta nhiều gợi hứng.
12 cặp đặc tính đối nghịch nhau là:
Yên Lặng                                      Nói chuyện
Cảm thụ                                                 Chống lại ảnh hưởng
Tuân phục                              Cai trị
Khiêm nhường                             Tự tin
Nhanh như chớp                 Dè dặt
Chấp nhận mọi điều            Phân biện
Tranh đấu                           Hòa hoãn
Cẩn trọng                           Can đảm
Tánh không sở hữu             Chiếm hữu mọi vật
Không ràng buộc                Trung thành
Coi thường cái chết            Tôn trọng sự sống
Dửng dưng                         Thương yêu

Trái đất giống như mọi hành tinh khác chịu sự hướng dẫn của năng lực tinh thần cao cả, năng lực này biểu lộ qua những bậc tiến hóa theo cách thích hợp cho con người. Nhóm linh hồn đã tiến xa ấy cùng làm việc bên nhau trong thiên cơ vĩ đại, đưa trái đất ra khỏi sự vô minh, cô lập, thoát những lực xấu xa theo khuynh hướng vật chất. Mỗi ai giác ngộ đều tham gia vào công việc đó, và khi bạn giác ngộ thì nó có nghĩa bạn cũng sẽ là người dự vào công cuộc trên.

Muốn trở thành cộng sự viên hữu dụng trong thiên cơ rộng lớn này, trước tiên người ta cần phải làm chủ tất cả những cặp đối nghịch vừa nêu, có nghĩa bạn sử dụng chúng vào đúng lúc và đúng chỗ. Một đặc tính có nét thiêng liêng khi đặt đúng chỗ, đúng lúc nhưng sẽ trở thành xấu xa độc ác nếu dùng sai chỗ, sai lúc. Đó là vì Thượng đế chỉ tạo nên điều chân, thiện, mỹ, nên không có đặc tính nào là xấu hay lực xấu, mà chỉ có đặc tính bị thể hiện lầm và lực bị áp dụng sai.

1.  Để bắt đầu bạn cần biết khi nào và chỗ nào có thể nói, và khi nào chỗ nào giữ yên lặng thì tốt hơn. Giữ yên lặng là chuyện hoàn toàn tốt đẹp, hữu ích cho mọi người chung quanh nếu ở đúng chỗ và đúng lúc cần làm. Mặt khác nếu ta giữ yên lặng ở nơi hay ở chỗ mà đáng lẽ nên nói, thí dụ như kêu to để cứu người, thì sự yên lặng của chúng ta trở thành độc ác. Hay nếu chúng ta nói chuyện ở sai chỗ, lúc không thích hợp thì khả năng thiêng liêng là tiếng nói trở thành lời tầm phào, tào lao, xấu xa.

 

2.  Sang cặp tiếp theo, cảm thụ hay tiếp nhận là chuyện tốt lành nếu ta mở lòng đón lấy  tất cả những gì chân, thiện, mỹ, cao thượng, tức thọ lãnh ý Trời và để Thượng đế dùng chúng ta thực hiện thiên cơ. Ngược lại, tính cảm thụ, dễ bị chi phối sẽ gây tai hại nếu nó có nghĩa là không có lập trường, bị lôi kéo vào vòng ảnh hưởng của người khác. Có tính chống trả muốn nói tới khả năng đối kháng lại tất cả những ảnh hưởng thấp kém, còn khi ta chống báng các lực cao hơn thì lập tức, ta biến tính kháng cự ảnh hưởng thành tính tự cô lập không tốt lành.

Mỗi ai làm việc trong thiên cơ vĩ đại có bổn phận hoàn toàn thuận theo thiên ý. Thiên ý có thể biểu lộ trực tiếp qua chính bạn hay qua người khác. Bạn có thể nhận ra được thiên ý khi xem xét kỹ lưỡng những việc đòi hỏi bạn phải làm, để bảo đảm là nó thuận với niềm tin mạnh mẽ nhất của bạn. Thượng đế nói chuyện với ta qua niềm tin mạnh mẽ nhất của mỗi người, và ta phải qui phục ngài tuyệt đối. Ngược lại khi tuân theo ai mà lòng ta không phục chỉ vì ta hèn nhát, sợ hãi để có lợi lộc vật chất, hay chỉ để được tiếng là người 'tốt', tức là vì lý do thấp kém, cá nhân thì đó là sự quỵ lụy và chẳng lành.

,
3.  Cai trị có nghĩa san sẻ một phần năng lực ý chí của nhà cai trị cho ai còn vô minh và yếu đuối. Lòng từ đối với mọi sinh linh, kết hợp tất cả lực sinh động của dân chúng sẽ đưa mọi người đến cảnh an cư lạc nghiệp mà không vi phạm vào quyền tự quyết của họ. Bất cứ nhà cai trị nào áp đặt ý chí của mình lên người khác, không vì tình thương mà vì mục tiêu ích kỷ là vi phạm quyền tự quyết của họ, biến hành động thiêng liêng là cai trị  thành sự độc tài chuyên chế xấu xa.

 

4.  Khiêm nhường là thái độ nên có đối với cái thiêng liêng, với cái Ngã làm ta linh hoạt. Bạn cần ý thức rằng tất cả những gì chân, thiện, mỹ đều thuộc về Thượng đế, và con người bạn là dụng cụ để thể hiện thiên tính. Nếu để tự nó và không có thiên tính thì cá nhân chỉ là cái vỏ trống rỗng. Bạn nên nhận biết là trong con người ai cũng có cùng thiên tính, cùng sự sống hằng hữu thấy biểu lộ trong khắp vũ trụ, và bạn cần tuân phục bằng lòng khiêm tốn đối với thiên tính ấy. Tuy nhiên bạn chớ hề tuân phục uy quyền nào của trần thế hay sấp mình, cúi lạy trước hình thể vật chất một ai, vì nó có nghĩa ta biến lòng khiêm tốn thiêng liêng thành việc tự hạ mình xấu xa, hèn nhát, yếu đuối. Xử sự như vậy là vi phạm cái thiên tính đang linh hoạt bạn với sự sống hằng hữu của nó.

Nếu muốn trở thành người phụng sự đắc lực cho thiên cơ, cho cuộc tiến hóa của nhân loại, thì không bao giờ nên quên rằng bạn không sống và làm việc bằng chính sức mạnh của riêng mình. Mọi tài năng đều do Trời mà có, và tất cả những khả năng bạn biểu lộ là do chân ngã, tức Thượng đế, mà ra. Hãy luôn nhớ rằng cái ngã của bạn chỉ là vật hư ảo, tưởng tượng, trong khi con người thật, tức cái thực tại duy nhất hằng hữu trong bạn chính là Thượng đế. Ấy là vì sao tự tin có nghĩa là tin tưởng vào Thượng đế ngự trong tâm bạn, mà không phải tin vào cái tôi vô thường. Lòng tự tin thiêng liêng là điều không thể thiếu cho mọi hành động sáng tạo, tượng trưng cho sự hòa hợp bên trong với Thượng đế. Nhưng khi ai đó nghĩ rằng ưu điểm, tài năng của họ là của riêng họ mà không phải nhờ Thượng đế mới có, thì họ biến lòng tự tin thiêng liêng thành tính ngạo mạn, kiêu hãnh giả tạo chẳng lành.

 

5. Để là cộng sự viên với thiên cơ, bạn còn phải có thể cho quyết định nhanh như chớp. Bạn phải học cách chọn lựa tức khắc không do dự, cái nào là cái tốt nhất trong một loạt những khả hữu khác nhau. Có những trường hợp mà trì hoãn chỉ trong chốc lát làm mất đi cơ hội độc nhất không hề trở lại. Khi bạn có thể hành động ngay trong phút giây, có định trí hoàn toàn, sáng suốt vượt lên trên mọi ý niệm về thời gian, thì khả năng quyết định tức thì của bạn có tính thiêng liêng, nhưng hành động nhanh như chớp mà không có định trí và sáng suốt, thì biến việc nhanh như chớp tốt đẹp thành hối hả tai hại. Thế nên đó là tại sao bạn cần học tính dè dặt thiêng liêng. Trước khi hành động bạn phải kiểm soát tính khí của mình, kiên nhẫn để cho quyết định chín mùi trong lòng bạn. Muốn nhận biết thiên ý thường khi bạn phải mất thì giờ để đi tới quyết định đúng đắn. Nó có nghĩa hành động với sự thận trọng, nhưng nếu bạn thận trọng và dè dặt tới mức không dám có quyết định nào là bạn biến tính dè dặt thiêng liêng thành lửng lơ, không xác quyết.

 

6.  Là người hợp tác hữu dụng với thiên cơ, bạn phải học chấp nhận mọi việc số mạng đưa tới. Giá trị của bạn được quyết định không phải do ngoại cảnh mà do bạn thể hiện Thượng đế tới mức độ nào. Việc bị người đời hạ nhục, hạ phẩm cách không thể nào hủy hoại hay làm giảm bớt giá trị bên trong của bạn. Cũng y vậy lời khen ngợi hay vinh danh không thể làm giá trị của bạn cao hơn. Vì lý do đó bạn chớ hề để bị chi phối về cách người chưa hiểu biết đối xử với bạn. Bạn ra sao thì vẫn y là vậy cho dù người đời lăng mạ hay ca tụng bạn. Hãy học cách có lòng an nhiên tự tại trong bất cứ tình huống nào, và chấp nhận hoàn cảnh số mạng đặt để cho bạn không chút nao núng. Dù phần việc trong thiên cơ rộng lớn đòi hỏi bạn phải sống cảnh nghèo hèn, hay ở địa vị cao sang giầu có, bạn phải xem mỗi cái chỉ là phương tiện dẫn tới mục tiêu cao cả. Không hoàn cảnh nào thay đổi được thái độ bên trong của bạn.

Học cách chấp nhận mọi việc theo cách này là chuyện tốt lành, nhưng mặt khác bạn phải luôn luôn có thể quyết định là khi nào bạn, trong lúc thực hiện thiên cơ, phải tự bảo vệ chống đỡ cho mình không bị làm nhục hay lâm cảnh khốn khó. Tương tự vậy, có những lúc bạn phải có thể quyết định rằng khiêm tốn tránh lời ca tụng của đám đông là việc làm thích hợp. Chớ nên để tính chấp nhận mọi điều biến thành dửng dưng tệ hại, hay nhút nhát không cương quyết.

Hãy luôn luôn chọn cái tốt đẹp nhất và không hài lòng với cái kém hơn. Bạn phải có thể phân biệt giữa cái xấu và cái đẹp, cái tốt và cái dở, cái thật với cái giả, cái thiêng liêng và cái thấp hèn. Nếu không có khả năng phát triển đầy đủ để phân biện, người ta không thể là cộng tác viên hữu ích trong thiên cơ.

 

7.  Nếu muốn tỏ ra hữu dụng, bạn cũng phải có thể tranh đấu với trọn sức mình. Được trang bị với thanh gươm chân lý, bạn phải có thể chiến đấu với vô minh sai lầm, hầu mang lại chiến thắng cho thiên tính trên trái đất, nhưng lòng sẵn sàng tranh đấu, tuy can đảm và cao thượng phải không bao giờ được để cho thoái hóa thành tính ngu dại hay gây hấn.

Ngay cả khi phải chiến đấu dũng cảm, chớ quên rằng bạn phải chiến đấu với vũ khí tinh thần để mang lại hòa bình cho thế giới. Bạn phải chiến đấu để tái tạo cái gì hòa hợp mà bị chia rẽ, lập lại hòa bình giữa ai đang chém giết nhau, nhưng lòng ước ao hòa bình của bạn phải không bao giờ được biến thành ý hèn nhát không dám tranh đấu, chỉ muốn mau lẹ buông xuôi.

 

8.  Là cộng tác viên hữu dụng, bạn cũng phải học sự thận trọng và cùng lúc quyết định khi nào chỗ nào thì sử dụng tính cần thiết này. Bạn có thể cứu được mình và người khỏi cảnh hiểm nguy, tai biến hay hy sinh vô ích nhờ áp dụng đúng cách tính thận trọng. Mà nó cũng có thể biến thành tính hèn nhát, khi người ta không dám làm điều gì chỉ bởi sợ hãi hay thiếu tự tin.

Bạn phải có lòng can đảm không lay chuyển, không sợ bất cứ hiểm nguy nào, mạnh dạn tiến lên đối đầu với khó khăn, và khi cần thì dũng mãnh chống trả lại bất cứ sự tấn công nào vào mục tiêu thiêng liêng cao cả bạn đang nhắm tới. Thế nhưng chớ để cho lòng can đảm thiêng liêng biến thành tính gan góc liều lĩnh vô nghĩa.

 

9.  Là người hợp tác với thiên cơ bạn cũng phải hiểu tính không sở hữu hàm ý gì. Dù công việc đòi hỏi bạn sống bần cùng nghèo khổ hay giàu có cao sang, bạn phải luôn luôn nhớ rằng không có gì, tuyệt đối không có gì, thực sự thuộc về bạn. Ngược lại mọi vật đều thuộc sở hữu của Thượng đế, và bạn chỉ nhận được theo đúng nhu cầu thực sự của bạn, phù hợp với chuyện bạn làm. Y như con kinh dửng dưng với giòng nước đầy hay vơi chảy xuyên qua nó, bạn cũng phải xem  mọi việc mà số mạng đưa cho bạn là từ Thượng đế mà ra, và là cái  bạn phải chuyển đi. Bạn sống bằng gì thì không bao giờ phải lo lắng, vì bạn sẽ luôn luôn nhận được theo đúng nhu cầu. Cho dù bạn giàu sang thế mấy, cần luôn luôn nhớ sự kiện là bạn không sở hữu vật gì cả, nhưng thái độ tích cực tốt lành này chớ nên bị thoái hóa, thành sự thờ ơ không quan tâm đến việc chi, hay coi thường vật chất. Chớ nên mong đợi người chung quanh lo lắng cưu mang bạn, và bạn không cần phải làm gì.

Vật chất cũng là sự biểu lộ của Thượng đế, nên bạn phải coi trọng vật chất vì có tính thiêng liêng trong đó, nhưng cùng lúc bạn phải làm chủ vật. Bạn cần giỏi dang trong việc tạo cho mình phương tiện vật chất để làm việc nơi cõi trần, và nhớ rằng bao lâu còn ở trần thế thì bạn còn cần đến vật chất mà không phải không cần, và đương nhiên là không chống lại vật chất. Bạn cần phải có khả năng thu thập và giữ lấy vật chất, làm chủ nó và sử dụng khôn ngoan, bằng không bạn hoàn toàn lệ thuộc vào những thế lực cõi trần, bị chúng kiểm soát, không thể thực hiện  phần việc của bạn ở thế gian một cách độc lập và tự do. Tuy nhiên hãy cẩn thận đừng để cho khả năng tốt đẹp là chế ngự vật chất trở thành lòng ham muốn tài sản ích kỷ, xấu xa. 

 

10.  Là cộng tác viên trong thiên cơ, bạn không để cho mình bị ràng buộc vào ai, hãy học nhận biết cái thiêng liêng, cái phàm trần và cái xấu xa nơi kẻ khác. Đừng thương yêu cá nhân mà hãy thương yêu tính thiêng liêng bên trong con người, khoan dung đối với cái phàm tục và tránh né cái xấu xa. Bạn phải có thể rời bỏ người mà bạn thương yêu nhất bất cứ khi nào cần làm vậy, vì hãy luôn luôn nhớ rằng các đặc tính đáng yêu thấy nơi người đó chính là Thượng đế, mà không phải là cá nhân họ. Cá nhân chỉ là phương tiện cho sự biểu lộ của Thượng đế. Bạn có thể tìm ra và thương yêu cùng sự biểu lộ đó ở người khác nữa. Hãy thương yêu Thượng đế thấy trong tất cả mọi người, rồi thì bạn sẽ không bị ràng buộc vào một ai. Dầu vậy chớ để tính không ràng buộc này biến thành thờ ơ, hững hờ đối với người chung quanh.

Bạn nên có tính trung thành lúc sống cũng như lúc chết, với ai mà bạn thấy là đã biểu lộ Thượng đế. Bạn yêu kính vị huấn sư và cộng sự viên với mình trong công cuộc chung, vì bạn nhận ra được Thượng đế trong tâm họ. Bạn trung thành với Thượng đế ngự  trong lòng họ và thương yêu cá nhân họ như là dụng cụ trong tay Thượng đế. Bằng cách ấy lòng quí chuộng và trung thành hướng tới vị huấn sư và cộng sự viên, không bao giờ trở thành lòng tôn sùng cá nhân hay sùng bái lãnh tụ.

Tương tự như vậy, khi bạn được ngợi khen trước công chúng reo hò vang dội, thì nên ý thức rằng đám đông không nhắm tới cá nhân của bạn, cái chỉ là hình hài tạm bợ rỗng không, mà nhắm vào Thượng đế biểu lộ qua dụng cụ ở cõi trần là bạn.

 

11.  Nếu muốn là cộng sự viên trong thiên cơ vĩ đại, bạn phải hoàn toàn coi thường cái chết, phải có niềm tin không gì lay chuyển rằng không hề có cái chết. Khi cơ thể bạn không còn sử dụng được nữa, thì chân ngã thải bỏ nó y như ta bỏ đi cái áo cũ đã mòn, rách. Chân ngã là một phần của sự sống, là sự sống, và sự sống thì vĩnh cửu. Khi đồng hóa trong tâm thức với sự sống, bạn sẽ không còn lòng sợ chết bất cứ lúc nào gặp hiểm nghèo vì công việc. Ngược lại, với sự bình thản an nhiên và hoàn toàn coi thường cái chết, bạn có thể đối đầu với cái nguy hiểm  lớn lao nhất, nhưng chớ bao giờ để cho lòng coi thường cái chết biến thành lòng coi nhẹ sự sống.

Bạn phải quí chuộng sự sống trên hết thẩy mọi chuyện khác. Sư Sống chính là Thượng đế. Sự sống vĩnh cửu tự biểu lộ trong mọi sinh linh. Bạn chớ nên coi thường hay đặt mình vào cảnh hiểm nguy. Hãy quí chuộng sự sống trong cơ thể bạn và vui sống. Tuy nhiên chớ bao giờ biến lòng vui sống thành mục đích cho chính nó, và thành khoái cảm nhục dục.

 

12. Cặp đặc tính chót là cái khó khăn nhất con người phải trải qua, tức lòng thương yêu và tình thương lạnh lùng hay tính thản nhiên (cruel love: Indifference). Mỗi khi bạn biểu lộ một nửa của cặp thì nửa kia tự động hiện đến.

Bạn phải hoàn toàn gạt bỏ quan điểm riêng tư, xu hướng cá nhân, tình cảm riêng của mình để học thương yêu mọi người mọi vật không phân biệt chia rẽ, y như Thượng đế thương yêu tất cả mọi sinh linh. Giống như mặt trời chiếu sáng, tuôn rải sức sống của nó hoàn toàn vô tư đến cho cái xấu và cái đẹp, cái hay và cái dở, cái chân và cái giả, thì bạn cũng phải học để thương yêu cái xấu và cái đẹp, cái hay và cái dở, cái chân và cái giả hoàn toàn vô tư không chút phân biệt. Tình thương cao nhất trong mọi tình thương, cái tình thương thiêng liêng, là tình thương hoàn toàn vô tư. Bạn phải hoàn toàn thản nhiên cho dù người hay vật xấu hay đẹp, hay hay dở, thật hay giả, bạn phải thương cả người lẫn vật với cùng tình thương.

Bạn cần học để biết rằng cái đẹp không thể hiện tồn nếu không có cái xấu, cái tốt sẽ không hiện hữu nếu không có cái dở, hay có cái thật mà không có cái giả. Nên ấy là lý do bạn phải thương tất cả đồng đều. Bạn phải học để biết rằng cái đẹp và cái xấu, cái hay và cái dở, cái thật và cái giả, chỉ là hình ảnh phản chiếu của điều bất biến mà ta gọi là Thượng đế, vì không có chữ nào khác để gọi.

Khi tình thương tuyệt đối, hoàn toàn vô tư hằng tuôn rải từ bạn đến muôn loài, tình thương ấy sẽ không bao giờ còn lẫn với ưa thích riêng tư hay thiếu thiện cảm. Bạn sẽ xem xét mọi việc theo quan điểm của toàn khối, để khi quyền lợi của trọn cộng đồng khác với của cá nhân, bạn sẽ không ngần ngại ủng hộ mạnh mẽ nhóm và thẳng tay bác bỏ quyền lợi cá nhân. Tuy nhiên việc mạnh tay không thương tiếc này, phải luôn luôn bắt nguồn từ tình thương thiêng liêng cho tất cả , và không bao giờ phát sinh từ ác cảm riêng tư.

Bạn cũng phải có thể biểu lộ tình thương vô tư, không thiên vị đối với người khác. Giống như Thượng Đế không hề can thiệp vào việc làm của người nơi cõi trần, mà để cho ta có tự do ý chí, bạn cũng phải để cho đồng loại sử dụng tự do ý chí của họ, và chớ bao giờ dùng lực cưỡng ép họ điều chi. Khi tìm cách giúp đỡ, phải luôn luôn xem xét mọi việc theo quan điểm sao cho có sự tốt đẹp về mặt tinh thần, mà không phải theo quan điểm cõi trần và vật chất, nhưng đừng bao giờ để tình thương vô tư thiêng liêng này thoái hóa thành tính dửng dưng, ơ hờ, và chớ hề từ chối giúp đỡ một ai vì ác cảm riêng.

Đó là những thử thách khó khăn nhất cho tất cả mọi người, vì bạn phải gạt bỏ cảm xúc riêng, quên nó đi khi cảm biết nó. Chỉ khi nào bạn hoàn toàn làm chủ mười một cặp đặc tính trước bạn mới có thể nhận ra tiếng nói của Thượng đế thật rõ ràng, khiến bạn có thể cảm thấy ngay trong cảnh khó khăn nhất, cần phải làm gì với tình thương thiêng liêng tuyệt đối, và phải không làm gì.

Khi ấy bạn không còn sợ lầm lẫn vì bạn sẽ chính mình trở thành tình thương ! Và tình thương chỉ có thể hành động vì tình thương. Bạn chỉ cần chiếu rạng cái ngã của mình, trở thành cái Ngã và trọn vũ trụ sẽ thấm đượm sự nồng ấm, ánh sáng, sức mạnh của bạn. Lúc đó bạn trở thành thiêng liêng, tâm thức bạn là một với Thượng đế. Từ cõi nhị nguyên có tốt xấu, sống chết, bạn bước vào cõi nhất nguyên thiêng liêng, có được hiểu biết về sự sống và tới phiên bạn dâng tặng hiểu biết này cho người đi sau, để tất cả có thể trở về sự sống bất tử, hằng hữu, hoàn nguyên với Thượng đế.

ELISABETH HAICH (Initiation)